Danh mục sản phẩm

Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng

  • Thứ hai, 07/05/2018, 14:54 GMT+7
  • 4911 lượt xem
 
 
 
ZenBook Flip là dòng máy tính lai với thiết kế màn hình xoay 360 độ (laptop convertible) và ASUS cung cấp nhiều kích cỡ màn hình từ 13,3" đến 14", 15,6". Trong phân khúc laptop lai thì mình thấy 13,3" - 14" là phù hợp nhất bởi tính di động của nó vẫn cao, việc xoay lật màn hình để sử dụng ở chế độ máy tính bảng vẫn thoải mái hơn nhiều so với kích thước 15,6" hơi đặc thù.
 
ZenBook Flip UX461UA được thiết kế theo triết lý Zen - một ngôn ngữ thiết kế được ASUS sử dụng từ lâu, kết hợp giữa nhôm, họa tiết vòng tròn đồng tâm và phần cứng mạnh mẽ bên trong một thân hình mỏng, nhẹ. ZenBook Flip UX461UA cũng được chế tạo theo mô tuýp này với vỏ full nhôm, trọng lượng chỉ 1,4 kg với màn hình 14" cảm ứng.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Nắp máy thiết kế đặc trưng của ZenBook với logo ASUS chính giữa cùng vân tròn đồng tâm tỏa ra. Tuy nhiên, ZenBook Flip UX461UA vẫn có nét riêng so với phiên bản trước đó là phần nắp máy này giờ đã vuông và phẳng hơn, không còn bo cong ôm cong lên màn hình quá nhiều. Tại các cạnh ASUS bo cong nhẹ sau đó vát diamond, từ đó khiến chiếc máy trông cứng cáp và hiện đại hơn.
 
Bản lề của ZenBook Flip UX461UA dạng bản lề kép thường thấy trên những chiếc máy convertible như HP Envy x360 hay Dell Inspiron 2 in 1 nhưng ASUS đã cải tiến đôi chút để mang lại trải nghiệm mới mẻ hơn. Khi mở nắp máy ra một góc trên 90 độ thì cạnh dưới màn hình sẽ tì xuống bàn, bản lề vẫn không mở phẳng ra hoàn toàn từ đó nâng bàn phím lên một chút để tạo độ nghiêng, giúp chúng ta gõ phím tự nhiên hơn. ASUS gọi thiết kế bản lề này là ErgoLift - nâng công thái học.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Khu vực phía trên đáy máy có các khe lấy gió, kết hợp với thiết kế bản lề nâng ErgoLift rất hợp lý khi máy có thêm không gian để lấy khí bên ngoài làm mát cho linh kiện bên trong. Hệ thống tản nhiệt nằm ở cạnh trái máy với một quạt.
Nói đến các cạnh thì ZenBook Flip UX461UA có độ mỏng 13,9 mm, một độ mỏng tương đối đối với máy tính màn hình xoay và đủ không giản để tích hợp nhiều cổng kết nối từ cũ đến mới. Như tại cạnh trái ngoài khe tản nhiệt còn có cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A), nút tăng giảm âm lượng, nút nguồn. Cạnh phải có thêm khe đọc thẻ microSD, USB 3.1 Gen1 (USB-C), jack âm thanh 3,5 mm 2 trong 1, thêm một cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A) nữa, HDMI và cổng nguồn.
 
Trang bị cổng kết nối trên ZenBook Flip UX461UA có thể nói là khá đầy đủ. Riêng mình không thích khe đọc thẻ microSD, khe SD tiêu chuẩn vẫn hay hơn. Thêm nữa là máy vẫn dùng cổng sạc tròn thay vì USB-C, năm 2018 rồi nhưng ASUS vẫn chậm thay đổi điều này trên dòng ZenBook cao cấp của mình, rất đáng tiếc.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Bên trong ZenBook Flip UX461UA là màn hình 14" với thiết kế viền mỏng NanoEdge 7,15 mm ở 2 bên, tỉ lệ màn hình với thân máy là 80%. Tuy nhiên thực sự mà nói thì phần viền này vẫn còn dày hơn khoảng 1 mm so với chiếc ZenBook UX430 mà mình từng đánh giá cách đây không lâu, chiếc UX430 vẫn mỏng ấn tượng hơn.
 
Phủ toàn bộ màn hình là một lớp kính và dĩ nhiên là màn hình cảm ứng hỗ trợ 10 điểm cùng với bút cảm ứng ASUS Pen. Đây cũng là dòng máy đầu tiên được ASUS tặng kèm bút cảm ứng, cây bút này dùng công nghệ của Wacom nhưng đáng tiếc nó chỉ hỗ trợ 1024 cấp độ lực. Trải nghiệm thực tế mình thấy bút có độ trễ lớn, thành ra nó chỉ phù hợp để ghi chú, vẽ vời sơ sơ thôi, không thể làm đồ họa chuyên nghiệp được. Dù sao vẫn rất đáng khen cho ASUS ở điểm này, có bút còn hơn không.
 
Có một điều phát sinh khi sử dụng ở chế độ máy tính bảng đó là bản lề không giữ chắc màn hình khi gập lại. Mình thường cầm máy chỗ có logo ASUS dưới màn hình bằng tay trái, cầm hơi chắc một chút tức là đặt lên một lực thì màn hình và thân máy sẽ hở ra 1 khoảng, không khép sát vào nhau được.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Màn hình dùng tấm nền của BOEhydis, mã tấm nền NV140FHM-N62, loại tấm nền IPS với độ phân giải FHD. ASUS công bố tấm nền có độ sáng tối đa 300 nit, tương phản 1000:1, độ bao phủ 100% sRGB và 72% NTSC. Mình kiểm tra lại bằng Spyder4Elite thì độ sáng màn hình cao nhất ở 260 nit, trung bình 233 nit, độ tương phản 700:1 ở độ sáng tối đa và 13050:1 ở độ sáng thấp nhất. Khả năng tái tạo màu đen (black level) rất tốt ở tỉ lệ 0.34 với độ sáng tối đa và 0.15 ở độ sáng 50%.
 ​
Độ bao phủ màu sắc của màn hình mình đo 2 lần bằng Spyder4Elite thì kết quả là dải màu Adobe RGB đạt độ bao phủ 72 - 73%, 68% NTSC và 94% sRGB. Như vậy độ bao phủ dải màu này khá gần với con số được ASUS công bố. Tuy nhiên, chiếc màn hình này khi mới nhìn vào có thể nhận ra nó hơi ám xanh và kiểm tra Delta-E thì độ sai lệch của màu xanh đậm lên đến 6.8, trong khi màu xanh nhạt như da trời vẫn có tỉ lệ 0.61. Các màu sắc còn lại chỉ có độ sai lệch từ 0.29 đến 1.32, dưới 2. Thật sự rất tiếc khi màn hình này ám xanh khiến màu sắc trở nên khá lạnh. Có một điều khiến mình ngạc nhiên là gamma mặc định của màn hình bám rất sát với thang gamma 2.2 tiêu chuẩn nhưng white point vẫn cao, ở mức 7800K.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Độ sáng không quá cao nhưng đáp ứng được hầu hết các tình huống sử dụng, dùng ngoài trời thì không lý lắm tưởng bởi màn hình gương phản chiếu mạnh. Độ tương phản của màn hình chỉ ở mức gần 700:1, nếu tăng đến 1000:1 như con số mà ASUS đưa ra thì trải nghiệm hình ảnh sẽ còn hút mắt hơn.
 
Mình chỉ đo ra để biết được chất lượng hiển thị cụ thể của nó ra sao còn với số đông người dùng chọn mua chiếc máy này thì mình nghĩ những thông số về white point hay Delta-E không cần thiết. Chỉ những ai cần làm đồ họa chuyên nghiệp hay in ấn thì mới quan tâm nhiều đến các chỉ số này thôi. Nhìn chung, màn hình của ASUS ZenBook Flip UX461UA tốt với dải màu sắc rộng, màu đen đã mắt và góc nhìn rộng, rất phù hợp với nhu cầu làm việc văn phòng hay giải trí với phim ảnh.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
Về âm thanh, ZenBook Flip UX461UA có 2 loa đặt tại mặt dưới, gần rìa 2 bên máy và âm thanh đầu ra lớn, rất ấn tượng. Hệ thống loa này được tinh chỉnh bởi Harman/Kardon, nhờ đó âm thanh đạt được sự cân bằng, treble cao, mid rõ, các dải khi mở tối đa âm lượng ít rối và bass ít, phẳng, đặc điểm chung của dàn loa trên những chiếc laptop mỏng.
 ​
Bàn phím của ZenBook Flip UX461UA có layout quen thuộc của những chiếc laptop 14" đến từ ASUS, không có phím số, các phím kích thước lớn, khoảng cách phím dàn trải, các phím điều hướng lớn và hành trình phím 1,5 mm. Trải nghiệm gõ phím trên chiếc ZenBook Flip UX461UA thoải mái, mình đặt tay vào gõ ngay lần đầu với 10fastfingers được 118 WPM, sai chỉ 6 từ tiếng Việt. Cảm giác gõ tốt nhờ độ nẩy của phím cao, hành trình hợp lý và xương phím chắc chắn không bị rung lắc khi gõ nhanh. Có một điều mình không thích là vỉ phím hơi flex do lớp nhôm này mỏng. Khi gõ nhanh mình có cảm giác lún ở giữa bàn phím nhưng nhìn chung vẫn gõ ngon lành, không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm gõ phím.
 
Bàn phím hỗ trợ đèn nền backlit 3 mức sáng, ánh sáng tỏa ra đều và dịu, dễ chịu khi sử dụng trong môi trường tối hoàn toàn.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
Bàn rê của ZenBook Flip UX461UA có kích thước lớn, chiều ngang hơn 10 cm và được làm rất rất tốt. Thực sự trên dòng ZenBook gần đây thì mình thấy bàn rê con nào cũng đã được ASUS nâng cấp với bề mặt phủ kính cho độ rít thấp, tăng cảm giác chạm và độ mượt khi thao tác đa điểm và hỗ trợ driver Microsoft Precision Touchpad cho độ trễ thấp khi thao tác. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới bàn rê có hành trình vừa phải, dễ bấm. Ngoài ra cảm biến vân tay 1 chạm còn được tích hợp trên góc phải bàn rê, tốc độ nhận diện nhanh mà anh em có thể thấy trong video.
 
 
Cấu hình của ZenBook Flip UX461UA và hiệu năng ra sao?
 
Vào thời điểm này thì ASUS đã nâng cấp cấu hình mới cho hàng loạt các phiên bản dòng ZenBook và UX461UA cũng tương tự với CPU Intel Core I thế hệ 8, dòng ULV nhưng 4 nhân 8 luồng, nhờ đó mang lại trải nghiệm tốt hơn đáng kể so với dòng Core I thế hệ 7 với chỉ 2 nhân 4 luồng. Cụ thể cấu hình:
CPU: Intel Core i5-8250U (Kaby Lake Refresh), 4 nhân 8 luồng, 1,6 GHz > 3,4 GHz (Turbo Boost), 6 MB Cache, TDP 15 W;
GPU: Intel UHD Graphics 620 1,10 GHz;
RAM: 8 GB DDR3-2133 chạy dual-channel, hàn chết trên bo và không có khe SO-DIMM để nâng cấp;
SSD: 512 GB SanDisk SD8SN8U M.2 SATA;
OS: Windows 10 Home 64-bit bản quyền.
 
Cấu hình của ZenBook Flip UX461UA có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc văn phòng, chạy đa nhiệm một vài ứng dụng và giải trí nhẹ nhàng. Điều mình thích là ổ SSD 512 GB, dù là ổ SATA 6 Gbps nhưng đây vẫn là trang bị hợp lý, cân đối giữa nhu cầu lưu trữ và tốc độ. Chiếc ổ này có tốc độ khá tốt với tốc độ đọc tuần tự 557,8 MB/s, ghi tuần tự 532,8 MB/s. Tốc độ truy xuất tập tin cỡ nhỏ ngẫu nhiên cũng rất tốt, lần lượt đọc/ghi là 239,8 MB/s và 258,7 MB/s. Tốc độ này cùng với vi xử lý 4 nhân Core i5-8250U mang lại trải nghiệm nhanh, mượt mà khi tao tác với các tác vụ văn phòng thông thường. Mình cũng thường dùng trình duyệt Edge trên ZenBook Flip UX461UA để tận dụng màn hình cảm ứng và cây bút. Với 5 6 tab thì không thành vấn đề với ZenBook Flip UX461UA nhưng nếu chuyển sang Chrome thì bộ nhớ sẽ bị ăn mất khá đáng kể nếu chúng ta mở nhiều tab.
 
  Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Vấn đề bộ nhớ RAM của ZenBook Flip UX461UA không phải là chuyện LPDDR3 hay DDR4 mà nó nằm ở chỗ bộ nhớ hàn chết trên bo, không có khe RAM để nâng cấp nếu nhu cầu của bạn tăng, cần thêm bộ nhớ. Thành ra với cấu hình định khung và phổ thông như vậy, ZenBook Flip UX461UA là một chiếc máy rất phù hợp với dân văn phòng, Thực ra mình còn cho chiếc máy này gồng gánh cả Adobe Lightroom CC - một phần mềm ăn rất nhiều tài nguyên hệ thống khi load hình phân giải cao cũng như xuất hình, ZenBook Flip UX461UA vẫn cán nổi dù vậy thời gian đợi khi xuất hình lâu hơn, thao tác cũng chậm hơn và giật lag là hiển nhiên.
 
 Trải nghiệm ASUS ZenBook Flip 14 inch: Bản lề cải tiến, cấu hình văn phòng 
 
Hiệu năng của GPU tích hợp UHD Graphics 620 thì chúng ta cũng không lạ nữa, nó đủ để xử lý nội dung giải trí, video và chơi được một vài tựa game nhẹ. Anh em thích đánh LoL trên chiếc máy này cũng đánh được tốt, cần chỉnh thiết lập đồ họa xuống thấp và tắt khử răng cưa. Trên đây là bảng so sánh điểm benchmark của một vài mẫu máy chạy GPU tích hợp, anh em có thể thấy sự cải tiến về hiệu năng xử lý 2 bài test đồ họa Cloud Gate và Fire Strike của 3DMark giữa UHD Graphics 620 và HD Graphics 620 đời trước chênh lệch khá nhiều.
 
Như vậy mình đã test nhanh cho anh em thấy về hiệu năng cũng như chia sẻ những trải nghiệm khi mới dùng qua chiếc ZenBook Flip UX461UA này. Trong bài tiếp theo, mình sẽ chia sẻ thêm về pin và nhiệt độ của máy cho những anh em nào quan tâm đặc biệt đến 2 vấn đề này. ASUS nói ZenBook Flip UX461UA có thể đạt thời lượng pin 13 tiếng, pin tích hợp trong máy 57 Wh và mình rất tò mò, sẽ mổ xẻ xem có đúng là đạt 13 tiếng hay không và sẽ đạt được thời lượng này trong điều kiện nào.
 
Nguồn: tinhte.vn
Đánh giá
  • Bình chọn sản phẩm này: