Danh mục sản phẩm

Laptop tuyệt đẹp làm từ Raspberry Pi và thân vỏ in 3D

  • Thứ hai, 20/05/2019, 16:03 GMT+7
  • 628 lượt xem

Dù không phải là một giải pháp tiết kiệm chi phí, nhưng với sản phẩm của mình, chàng kỹ sư người Croatia đã cho chúng ta thấy tất cả những gì cần có để tự tạo nên chiếc máy tính cầm tay của chính mình.

Kỹ sư người Croatia, Igor Brkic, đã tạo ra một chiếc laptop cầm tay dựa trên bảng mạch Raspberry Pi đặt trong một chiếc vỏ in 3D, khiến không ít người - đặc biệt là giới hacker - trầm trồ thèm muốn.

Brkic tạo ra thiết bị tuy nhỏ nhắn nhưng có phần cồng kềnh mang tên hgTerm bởi nhu cầu cần một thứ gì đó nhỏ gọn hơn một chiếc laptop thông thường, để anh này có thể mang theo bên mình và sử dụng khi gỡ lỗi (debug) và flash firmware cho các thiết bị nhúng. Và tất nhiên là chơi "game và các thứ khác" nữa.

Với những yêu cầu như vậy, Brkic cần một thiết bị với thời lượng pin tốt, với sức mạnh xử lý vừa đủ xài, đi kèm màn hình độ phân giải cao có thể mở ra đến 270 độ, âm thanh hay, và có bàn phím vật lý.

Sau một hồi tìm kiếm, anh này chọn một màn hình kích cỡ 4-inch dành riêng cho Raspberry Pi, một bàn phím Bluetooth, đặt chúng lên trên một cục pin dự phòng 5.000mAh của Xiaomi nhưng đã bị tháo vỏ, chỉ giữ lại lõi pin, và tất nhiên là một bảng mạch Raspberry Pi 3B với một số bộ phận không cần thiết bị lược bỏ, như: cổng USB, cổng Ethernet, cổng HDMI, và các đầu kết nối camera và màn hình.

Anh này còn "gọt" bớt các đầu pin GPIO của bảng mạch để chúng chỉ còn cao bằng 60% ban đầu nhằm khiến bảng mạch nhỏ gọn hơn nữa.

 

Laptop tuyệt đẹp làm từ Raspberry Pi và thân vỏ in 3D

Đây là chiếc laptop mini dựa trên Raspberry Pi của Brkic

 

Lý do của việc cắt gọt, theo Brkic, là vì bảng mạch Raspberry Pi cần được đặt vào trong phần năp màn hình laptop, đằng sau màn hình Hyperpixel do Pimoroni sản xuất, vốn có không gian khá chật chội.

Ở giữa màn hình và bảng mạch Raspberry Pi còn có một chiếc đồng hồ thời gian thực, một mạch Arduino Pro Mini, một sợi cáp USB-to-serial, và một mạch quản lý năng lượng. Như vậy, thay vì cắm các thiết bị ngoài vào cổng USB ở mặt hông của bàn phím, chúng lại được kết nối vào một cổng nằm ở cạnh màn hình.

Chiếc vỏ in 3D có bản lề kép, cho phép màn hình được đặt ở vị trí như một chiếc laptop thông thường, hoặc lật ngược để chuyển sang chế độ đứng.

Brkic đã đăng các đường dẫn đến tất cả các phần mềm cần thiết để điều khiển các thành phần của thiết bị tại đây, kèm theo các bản thiết kế vỏ in 3D.

"Tôi rất hài lòng với kết quả. Thiết bị khá dày và nặng (chủ yếu bởi viên pin lớn), nhưng vừa vặn trong bàn tay. Và bàn phím thì dễ dùng hơn nhiều so với các bàn phím cảm ứng trên smartphone thông thường" - Brkic kết luận.

Theo anh này thì quá trình làm ra thiết bị kéo dài đến 2 tháng, trong đó phần lớn thời gian được dành cho việc tạo bản mẫu của chiếc vỏ. Anh thừa nhận chi phí của các linh kiện khá cao khiến chiếc laptop của mình không phải là một giải pháp tiết kiệm chi phí, nhưng chủ yếu quá trình làm ra nó khá là vui.

Theo GenK.vn

Đánh giá
  • Bình chọn sản phẩm này: