Theo đó NVIDIA đã bắt đầu thiết kế một con chip dựa trên SoC Tegra K1, còn Marvell thì làm điều tương tự với CPU bốn nhân PXA1928. Tất nhiên, vẫn giữ đúng theo ý tưởng của Ara, các module vi xử lý này hoàn toàn có thể tháo rời ra ngoài và thay thế bằng một module mạnh mẽ hơn trong tương lai khi người dùng có nhu cầu nâng cấp chứ không bị hàn chết vào bo mạch điện thoại như hầu hết các smartphone hiện nay. Trước đây cung cấp chip cho Ara là hãng Rockchip.
Tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm còn có Toshiba. Hãng đảm nhận việc cung cấp một kết nối mang tên UniPro cho phép các linh kiện có thể giao tiếp với nhau trong khi vẫn đảm bảo rằng chúng có thể được gỡ ra gắn vàoh dễ dàng. Google chia sẻ thêm là thế hệ nguyên mẫu "Spiral 2" của dự án Ara hiện đã có thể chạy được, CPU đã có thể kết nối thành công đến màn hình thông qua UniPro nhưng có điều firmware hoạt động vẫn chưa trơn tru. Các kĩ sư vẫn đang tiếp tục công việc của mình nhằm hoàn thiện nhược điểm này trước khi phiên bản "Spiral 3" được ra mắt vào mùa xuân năm sau, vốn đi kèm theo kết nối UniPro thế hệ 2.
Trong tháng 1 tới đây Google có tổ chức một sự kiện dành cho các nhà phát triển, các lập trình viên quan tâm đến Ara. Tại hội nghị này bản mẫu Spiral 2 sẽ được mang ra trình diễn.
Theo tinhte.vn