OCZ Vector 150 240 GB
Giống như các ổ Vector và Vertex 450, Vector 150 cũng sử dụng controller Barefoot 3 do chính OCZ thiết kế với 8 kênh và 2 nhân (một nhân ARM Cortex và bộ đồng xử lý OCZ Aragon). Thay đổi duy nhất về phần cứng của Vector 150 là việc sử dụng chip nhớ NAND MLC 19 nm của Toshiba thay vì chip IMFT 25 nm (Vector) và IMFT 20 nm (Vertex 450).
Là sản phẩm cao cấp nhất dành cho người dùng cá nhân của OCZ, Vector 150 được hưởng chế độ bảo hành 5 năm, tuổi thọ ghi/xóa là 91 TB (tuổi thọ SSD tính theo chu kì ghi/xóa) – tương đương khả năng sử dụng vào khoảng 50 GB/ngày. Nghĩa là ổ SSD của bạn chỉ được bảo hành khi thỏa mãn cả 2 điều kiện: vẫn còn trong thời hạn bảo hành 5 năm và chưa sử dụng (ghi/xóa) quá 91 TB.
OCZ Vector 150 có chiều dày chỉ 7 mm, tương thích với các notebook mỏng nhất hiện nay. Phụ kiện đi kèm bao gồm khay gắn 3,5 inch và sách hướng dẫn sử dụng.
OCZ Vertex 460 240 GB
Nhìn vào thông số, có thể thấy Vertex 460 có rất nhiều điểm tương đồng với Vector 150 – chiếc SSD flagship của OCZ. Cả hai đều sử dụng controller Barefoot 3 và chip nhớ Toshiba NAND MLC 19 nm. Khác biệt duy nhất là xung nhịp của controller: Vector 150 được thiết lập chạy ở 397 MHz trong khi Vertex 460 giảm xuống 352 MHz.
Mặc dù sử dụng cùng loại chip nhớ nhưng Vertex 460 chỉ được hưởng chế độ bảo hành 3 năm, tuổi thọ ghi/xóa 22 TB tương đương khả năng sử dụng 20 GB/ngày. Sở dĩ có sự khác biệt này bởi tuy cùng dây chuyền sản xuất nhưng các chip NAND xuất xưởng lại có tuổi thọ ghi/xóa khác nhau. OCZ lựa những chip tốt nhất cho sản phẩm cao cấp nhất của họ, còn những chip có chất lượng bình thường được sử dụng cho sản phẩm có giá thấp hơn.
Cần lưu ý rằng tuổi thọ ghi/xóa 22 TB không có nghĩa khi ghi/xóa đủ 22 TB thì SSD sẽ hỏng mà đây chỉ là tiêu chuẩn sản xuất của dây chuyền. Trên thực tế bạn có thể sử dụng nhiều hơn 22 TB trước khi ổ hỏng.
OCZ Vertex 460 cũng sở hữu chiều dày chỉ 7 mm, tương thích với các notebook mỏng nhất hiện nay. Phụ kiện đi kèm bao gồm khay gắn 3,5 inch và sách hướng dẫn sử dụng.