Strix Z370-E (Extreme) và Z370-F (Formula):
Strix Z370-E và F là 2 phiên bản cao cấp nhất trong dòng Strix nên không ngạc nhiên khi ASUS trang bị những gì tốt nhất cả về thiết kế, chất liệu lẫn tính năng. Thông số và thiết kế của 2 mẫu bo mạch này rất giống nhau, chỉ khác 1 chỗ là Z370-E có tích hợp Bluetooth và Wi-Fi trong khi Z370-F không có.
2 mẫu bo này rất phù hợp cho anh em đang có ý định build máy với tông bạc hoặc đen xám. Trong 3 phiên bản form ATX thì Strix Z370-E và F nhìn hầm hố nhất bởi nó sở hữu hệ thống heatsink dành cho VRM và PCH bằng kim loại cỡ lớn, phay xước màu bạc khiến bo mạch trở nên đầy đặn hơn và cân đối hơn. Heatsink của PCH cũng có một phần tản nhiệt cho ổ M.2 SSD.
Hệ thống phase khá chất lượng với thiết kế semi 8 + 2 phase Digital cùng với 2 phase riêng cho DRAM. Chưa có thông số cụ thể nhưng mình nghĩ Strix Z370-E/F không khác nhiều so với Strix Z270-E/F về thiết kế phase nguồn.
Trang bị khe cắm trên Strix Z370-E cũng giàu có nhất trong số các phiên bản Strix với 4 khe DIMM hỗ trợ tối đa 64 GB DDR4-4000 MHz (OC). Với 3 khe PCIe 3.0 x16 với 2 khe phía trên hỗ trợ x8/x8 và 1 khe chạy tối đa ở x4 thì anh em có thể chạy 2-way SLI hoặc 3-way CrossFireX. Ngoài ra còn có 4 khe PCIe 3.0 x1 dành cho các loại card add-in. Như vậy so về khe cắm mở rộng thì Strix Z370-E/F không hề thua kém với các phiên bản Maximus X.
Strix Z370-E/F hỗ trợ 2 khe M.2 PCIe 3.0 x4 hỗ trợ Intel Optane và 6 cổng SATA 6 Gbps. Panel sau chỉ được tích hợp một vài cổng kết nối như 2 cổng USB 3.1 Gen1 (5 Gbps), 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.1 Gen2 gồm 1 cổng USB-C và 1 cổng USB-A màu đỏ, còn lại là DVI, HDMI, DisplayPort và RJ-45 cùng hệ thống jack âm thanh. Trong trường hợp cần thêm cổng thì trên bo có các header đấu nối ra panel trước hoặc card mở rộng, từ đó chúng ta sẽ có thêm 4 cổng USB 3.1 Gen1, 4 cổng USB 2.0 cũng như thêm 1 cổng USB 3.1 Gen2. Riêng Strix Z370-E tích hợp sẵn 2 đầu nối ăng-ten ASUS 2T2R băng tần kép dành cho kết nối Wi-Fi.
Ngoài ra hệ thống cổng I/O tại panel sau cũng có cover bằng nhựa màu bạc bọc ngoài với đèn AURA trang trí. Cover này cũng có chức năng xả tĩnh điện. Tuy nhiên đến thế hệ Strix Z370-E/F này thì ASUS vẫn chưa trang bị thêm đèn AURA tại những khu vực khác trên bo mạch như dưới heatsink PCH hay phía sau. Chúng ta chỉ có thể đi thêm đèn qua các header trên bo.
Strix Z370-H (Hero):
So với phiên bản Strix Z270-H năm ngoái thì phiên bản Strix Z370-H mới đẹp và cân đối hơn nhờ có cover che hệ thống I/O tại panel sau. Phần heatsink cho VRM và PCH vẫn có thiết kế và kích thước y hệt chỉ là được đổi sang tone màu đỏ, xám làm nổi bật các đườn nét cắt vát đa cạnh.Đèn AURA được tích hợp vào heatsink PCH, cover không có viền đèn như các phiên bản Z370-E/F nhưng lại có thêm một dải đèn mỏng chạy dọc theo khu vực chip âm thanh và tụ âm thanh của Nichicon màu vàng.
Strix Z370-H có thiết kế 6 phase cho CPU và iGPU, 2 phase cho DRAM hỗ trợ OC xung nhịp đến 4000+ MHz. Tương tự Strix Z370-E/F, chiếc bo màu đỏ này có 4 khe DIMM hỗ trợ tối đa 64 GB, 3 khe PCIe 3.0 x16 với 2 khe có thể chạy ở x16 hoặc x8/x8, 1 khe chạy ở x4 nhờ đó chúng ta có thể thiết lập 2-way SLI hoặc 3-way CrossFireX. Bo mạch cũng có 2 khe M.2 PCIe 3.0 x4 nhưng không có heatsink.
Hệ thống cổng SATA vẫn như cũ với 6 cổng SATA 6 Gbps nhưng các cổng này được xếp thành 1 hàng thẳng, nếu đi dây SATA với nhiều ổ cứng nhìn sẽ gọn và thuận tiện hơn.
Panel sau của Strix Z370-H cũng không có nhiều cổng, có 2 x USB 3.1 Gen2 (10 Gbps) với cà 2 đều là USB-A màu đỏ, 4 cổng USB 3.1 Gen1 (5 Gbps) màu xanh (hỗ trợ mở rộng thêm 4 cổng với header trên bo mạch), 2 cổng USB 2.0 (hỗ trợ mở rộng thêm 4 cổng với header trên bo mạch), RJ-45, DVI, HDMI và có cả cổng PS/2 dành cho phím và chuột đời cũ nữa.
Strix Z370-G (Gene) và Z370-I (Impact):
2 phiên bản này dành cho những ai thích build máy cỡ nhỏ với Strix Z370-G có form mATX và Strix Z370-I có form mini-ITX. Phiên bản Strix Z370-G được thiết kế lại đôi chút tại cụm heatsink tản nhiệt PCH bằng kim loại được làm gân nổi có tích hợp đèn AURA, các heatsink còn lại cho VRM vẫn tương tự.
Thiết kế dàn phase vẫn rất cao cấp với thiết lập 8 + 2, có thêm 2 phase cho DRAM và hỗ trợ 4 khe DIMM, 2 khe PCIe 3.0 x16 hỗ trợ 2-way SLI hoặc 2-way CrossFireX, 2 khe PCIe 3.0 x1 và 2 khe M.2 PCIe 3.0 x4, 6 cổng SATA 6 Gbps. Nhìn chung là đầy đủ đồ chơi không thua gì các mẫu bo mạch chủ ATX.
Panel sau cũng rất đầy đủ các cổng với HDMI, DisplayPort, 2 cổng USB 3.1 Gen2 (10 Gbps) đều là USB-A màu đỏ, 4 cổng USB 3.1 Gen1 (5 Gbps), 2 cổng USB 2.0, RJ-45, PS/2 và các cổng âm thanh. Trên bo cũng có các header mở rộng thêm nhiều cổng USB 3.1 Gen1 và USB 2.0. Cần lưu ý là Strix Z370-G cũng sẽ có 2 phiên bản khác nhau giữa tích hợp Wi-Fi và không có Wi-Fi, phiên bản trong hình có đầu chờ ăng-ten 2T2R của ASUS với card Wi-Fi ac gắn sẵn.
Nếu thích nhỏ hơn nữa nhưng vẫn xịn thì Strix Z370-I là lựa chọn hợp lý nhất và cá nhân mình cũng đang dùng một phiên bản thuộc dòng này nhưng là H270-I. Với form mini-ITX thì Strix Z370-I không dành cho số đông, kích thước bo nhỏ khiến nó không có nhiều khe cắm như chỉ 2 khe DIMM hỗ trợ 32 GB DDR4 với tốc độ tối đa 4333+ MHz (OC) và cũng chỉ có một khe PCIe 3.0 x16 dành cho card đồ họa rời nên chúng ta không thể chạy nhiều GPU trên bo mạch này.
Dù vậy chúng ta vẫn có nhiều tùy chọn lưu trữ với 2 khe M.2 PCIe 3.0 x4 và 4 cổng SATA 6 Gbps. Panel sau vẫn rất đầy đủ các kết nối như 4 cổng USB 3.1 Gen1 (5 Gbps) với 3 cổng USB-A và 1 cổng USB-C, 4 cổng USB 2.0 cho phím chuột, HDMI, DisplayPort, RJ-45, hệ thống jack âm thanh và ăng-ten Wi-Fi ac tích hợp sẵn.
Thiết kế của Strix Z370-I không có nhiều thay đổi so với phiên bản tiền nhiệm, hệ thống heatsink cho VRM và ổ M.2 được làm bằng kim loại cắt vát khá đẹp, chỉ khác là màu sắc được chuyển từ xám nòng súng trên phiên bản cũ sang xám trắng, phay xước lộ rõ hơn. Đèn AURA được tích hợp phía sau bo mạch và hắt vào nền thùng rất đẹp, ngoài ra còn có header cho các thiết bị hỗ trợ AURA khác.